sushi-tinh hoa ẩm thực Nhật Bản

+4 phiếu
432 lượt xem

Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, không thể không nhắc đến sushi.

Măc dù là đại diện tiêu biểu của ẩm thực Nhật Bản nhưng thực ra sushi không bắt nguồn từ Nhật Bản. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của sushi nhưng giả thuyết được chấp nhận nhất là sushi xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới dạng một loại thức ăn lên men để giữ được lâu. Sau đó, vào thời Yayoi ( từ khoảng năm 300 TCN đến năm 250) món ăn này được truyền vào Nhật Bản cùng với phương pháp ủ cá lên men. Phương pháp này rất phù hợp với Nhật Bản, là một đảo quốc với nguồn thực phẩm chủ yếu là hải sản nên rất cần phương pháp bảo quản được lâu. Từ đó, sau nhiều cải tiến, người ta đã tìm ra cách ăn cơm chua kèm với cá sẽ có một hương vị rất độc đáo. Và dần dần sushi đã được hoàn thiện cả về hình thức và phương thức chế biến rất đa dạng như ngày hôm nay. Nhưng cơ bản, sushi là món ăn gồm nắm cơm trộn giấm được bọc bởi một lát cá sống hay trứng cá và rong biển...



Trong thế giới sushi, các chủng loại rất đa dạng, nhưng ta có thể quy về 6 loại chính:

- Nigirizushi: sushi gồm một nắm cơm trộn giấm và có một miếng hải sản đắp lên



- Temakizushi: cơm được trải trên một miếng rong biển, đặt rau và hải sản vào giữa, cuộn lại thành hình phễu.



- Chirakizushi: sushi gồm hải sản sống và chín thái lát xếp lên trên cơm trộn giấm trong một cái bát lớn.



- Makimono: hải sản và các củ quả được gói trong lớp rong biển rồi cắt khoanh.



- Gunkan: cơm được cuộn rong biển sau đó đặt hải sản lên trên.



- Oshizushi: hải sản đã ướp gia vị được nén chặt cùng cơm trộn giấm, thường là hai lớp cơm một lớp nhân, sau đó cắt thành miếng vừa ăn.



Sushi được yêu thích không chỉ bởi hình thức rất bắt mắt, đôi khi còn được nâng lên tầm nghệ thuật và hương vị độc đáo, cuốn hút, nó còn mang trong mình cả tinh thần ẩm thực Nhật Bản.

Ẩm thực Nhật Bản là sự hòa quyện của "tam ngũ": ngũ sắc, ngũ vị và ngũ pháp.

- Ngũ sắc nghĩa là một món ăn phải bao gồm năm màu sắc: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Nói đến ngũ sắc là nói đến tính thẩm mỹ của món ăn. Không thể phủ nhận hình thức độc đáo của sushi. Những màu sắc tươi mới của nguyên liệu được phối hợp ăn ý với nhau tạo nên sự hấp dẫn của món ăn và đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản. Thử hỏi ai có thể cưỡng lại trước màu cam tươi của miếng cá hồi, màu đỏ của tôm, màu trắng trong của cá ngừ hay ánh sáng lấp lánh của trứng cá... đặt trên nắm cơm trắng ngần.

- Ngũ vị gồm có ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Món ăn Nhật thường được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn hương vị thanh tao nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe. Sushi chủ yếu sử dụng các nguyên liệu tươi, ít dầu ăn và đường, tuy nhiên nó là sự hòa quyện tuyệt vời của vị mằn mặn của muối, vị chua chua của giấm, vị giòn ngọt của hải sản tươi sống và rau củ, vị cay nồng của mù tạt và vị ngọt dịu của cơm.

- Ngũ pháp bao gồm để sống, ninh, nướng, chiên và hấp. Chế biến sushi sử dụng hầu hết các phương pháp này ( trừ ninh). Mục tiêu chính là để khơi dậy hương vị tự nhiên vốn có của nguyên liệu và duy trì được màu sắc thật tươi mới của tự nhiên. Việc kết hợp nhiều phương pháp chế biến đã tạo nên cho sushi nhiều hương vị mới lạ trên nền tảng thanh tao của thiên nhiên.

Một đặc trưng không thể thiếu của ẩm thực Nhật Bản thể hiện trong sushi đó là tính thiên nhiên. Bên cạnh việc sử dụng chủ yếu là nguyên liệu tươi sống, duy trì tối đa màu sắc tự nhiên và hương vị sẵn có của nguyên liệu, sushi còn là bức tranh vẽ nên bốn mùa của Nhật Bản. Không chỉ là màu sắc thiên nhiên tươi mới, đầy sức sống, mà còn là nhịp sống của tự nhiên thể hiện qua mùa nào thức nấy. Bốn mùa Nhật Bẳn cũng là bốn mùa sushi với các loại thực phẩm đặc trưng của mùa như mùa xuân có cá biển đen, cá, trai vỏ cứng..., mùa hè có bào ngư, cá vược, cá chình..., mùa thu có cá trích, cá thu, cá mòi..., mùa đông có cá mực, bạch tuộc, cá bơn...

Thế giới sushi là một thế giới rộng lớn và đầy hấp dẫn. Tìm hiểu sushi cũng là tìm hiểu sự huyền bí của Nhật Bản.

đã hỏi 24 Tháng 6, 2014 trong Văn hóa Nhật Bản bởi ThaoVi
sửa nội dung 28 Tháng 6, 2014 bởi ThaoVi

Xin vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để trả lời câu hỏi này.

...