Nhật Bản được biết đến là một cường quốc của khoa học kĩ thuật, của sự hiện đại thế nhưng họ không hề lãng quên bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, họ luôn tìm cách đễ giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc mình. Một trong những tinh hoa ấy là đám cưới truyền thống Nhật Bản.
Lễ cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong 4 nghi lễ lớn của đời người. Bốn lễ lớn ấy gọi là KanKonSoSai bao gồm lễ thành nhân, lễ cưới, lễ tang và lễ cúng tổ tiên. Để chính thức hóa cuộc hôn nhân phải đăng kí ở chính quyền địa phương nhưng sự thừa nhận của mọi người và xã hội lại là ở buổi tiệc cưới với những y phục trang trọng. Cho đến ngày nay, kiểu đám cưới truyền thống vẫn áp dụng các thủ tục cưới hỏi được đặt ra thời Minh Trị.
Trước đám cưới sẽ tổ chức lễ Yuinou, hai gia đình sẽ thông qua Nakodo để trao đổi những món quà gọi là Yuinouhin tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Các món quà khác nhau tuỳ theo tục lệ riêng từng vùng, nhưng thường là số lẻ và có thể lên đến 9 món quà trong đó bắt buộc phải có Obi cho cô dâu và Hakama cho chú rể.
Sau lễ Yuinou, việc còn lại là chuẩn bị tổ chức đám cưới. Đầu tiên là rước dâu. Đám rước dâu dẫn đầu là một thầy tu Shinto, theo sau là các Miko, cô dâu chú rể, cha mẹ hai bên và cuối cùng là các vị khách mời.Trong dịp trọng đại này, cô dâu sẽ mặc một bộ Kakeshita trông khá giống Furisode, khoác bên ngoài là Uchikake hay Shiromaku, một bộ kimono trắng thể hiện sự thanh khiết. Trên đầu cô dâu, ngoài Kanzashi để trang trí thì cô dâu còn đội một chiếc mũ Tsuno Kakushi màu trắng - thể hiện sự phục tùng của cô dâu với người chồng tương lai. Đơn giản hơn, chú rể mặc một bộ Montsuki với quần Hakama và áo khoác Haori có đính gia huy của gia đình mình.
Nghi thức của đám cưới được tổ chức khá riêng tư trong một ngôi đền Shinto, với sự góp mặt của người thân, khác hẳn với đám rước dâu được tiến hành công khai. Lễ cưới truyền thống cũng như nhiều nghi lễ trong đạo Shinto khác được bắt đầu bằng một nghi lễ thanh tẩy nơi làm lễ. Chủ lễ sẽ dâng gạo và muối cùng những vật tế khác lên trước bàn thờ trước khi cầu nguyện với thần linh. Tất cả mọi người sẽ đứng dậy lắng nghe những lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ đang làm lễ thành hôn.
Tiếp theo là nghi lễ san san kudo (三々九度), khi cô dâu và chú rể cùng uống rượu sake. Đây là một trong những nghi thức cổ nhất trong lễ cưới Shinto, được bắt đầu từ thế kỷ thứ 8. Bộ chén uống rượu được đưa ra gồm ba chiếc chén gọi là sakazuki có kích thước tăng dần. Chú rể sẽ bắt đầu với chiếc nhỏ nhất, nhấp 3 ngụm rượu trước khi chuyển sang chiếc lớn hơn. Cô dâu cũng làm theo tương tự. Ba lần ba là chín, nó tượng trưng cho hạnh phúc trường tồn, cầu chúc cho cặp vợ chồng sẽ mãi mãi bên nhau.
Sau đó, hai người sẽ thề trước thần linh và dâng một nhánh cây sakaki gọi là Tamagushi lên cho các thần. Nếu có nhẫn cưới thì đây chính là lúc trao nhẫn.
Sau nghi thức này, gia đình hai bên sẽ cùng nâng chén để đánh dấu sự hoà hợp không chỉ của hai vợ chồng mới cưới mà còn là của hai gia đình. Các nhạc công được mời đến sẽ chơi những bản nhạc truyền thống trên các nhạc cụ cổ như đàn và sáo để chúc mừng cho đám cưới. Sau khi các nghi lễ này kết thúc, hai vợ chồng sẽ thực hiện công việc cuối cùng là tiếp đón bạn bè, khách khứa đến dự bữa tiệc cưới.