Nhật Bản là một trong những nước nổi tiếng có đồng phục học sinh đẹp nhất trên thế giới. Ở Nhật, đồng phục là một nét đặc biệt, là một phần không thể thiếu không những trong học đường mà còn trong đời sống.
Đồng phục đi học ở Nhật có tên gọi là “Seifuku”, đã xuất hiện cách đây khoảng 100 năm, vào thời kỳ Minh Trị để xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, tạo bình đẳng giữa các học sinh trong trường học. Những bộ đồng phục ban đầu là bộ Hakama đơn giản.
Khi văn hóa phương Tây du nhập vào Nhật Bản, Bộ giáo dục cho rằng Hakama đã lỗi thời nên nó đã bị thay thế bằng áo khoác Gakuran màu đen/xanh cùng với quần tây đối với nam giới vào năm 1872. (Gakuran là một loại áo khoác được thiết kế dựa trên mẫu đồng phục của thiếu sinh quân của nước Phổ ngày xưa. Gakuran có cổ áo cứng và cao, cúc áo bằng đồng may đến cổ.) Vào năm 1920, một trường nữ ở Fukuoka đã mặc đồng phục dựa trên mẫu đồng phục hải quân bao gồm khăn quàng hình tam giác và váy ngắn. Đến nay, hình thức phổ biến của đồng phục nữ sinh là áo trắng cổ thủy thủ, thắt nơ hoặc đeo cà vạt, váy ngắn xếp li và tất dài.
Với học sinh Nhật Bản, đồng phục đi học còn dùng để thể hiện quan điểm thời trang của bản thân mình. Bộ trang phục này luôn là một trong những xu hướng thời trang hot nhất tại Nhật. Hàng loạt các hãng thiết kế đồng phục ra đời. Qua bàn tay của các nhà thiết kế thời trang, những trang phục đơn giản trở thành những bộ đồ thanh lịch, năng động, đáng yêu nhưng không kém phần gợi cảm.
Váy đồng phục của nữ sinh xứ Phù Tang không chỉ có ý nghĩa lịch sử, độ dài của váy cũng nói lên tính cách của nữ sinh mặc nó. Váy dài quá đầu gối chứng tỏ đó là nữ sinh giản dị, khiêm tốn; váy trên đầu gối biểu thị sự hài hòa, trung tính còn váy ngắn hơn nữa chứng tỏ những nữ sinh mặc nó là người con gái mạnh mẽ, độc lập và quyết đoán. Nữ sinh Nhật Bản hiện đại vẫn chọn váy là trang phục yêu thích không chỉ vì tính thẩm mỹ, mà còn vì mặc váy mang lại cảm giác thoải mái và không bị bó buộc.
Rất nhiều trường học tại Nhật sử dụng đồng phục cao cấp, bắt mắt để thu hút học sinh. Ngoài ra, để quý phụ huynh sẵn sàng chi tiền mua đồng phục cho con em mình, một số công ty sản xuất đồng phục còn sáng tạo nhiều “chiêu trò” kinh doanh như váy được gắn thêm thiết bị đóng mở đàn hồi, tự động gập một chiếc váy dài thành một chiếc váy ngắn, lắp đặt thêm GPS để phụ huynh có thể theo dõi con họ đang ở đâu.
Một trong những điều thú vị nhất liên quan đến đồng phục học sinh Nhật Bản chính là vai trò của nó trong các mối tình đầu thuở học đường. Sau lễ tốt nghiệp trung học, các bạn nữ thường đến gặp cậu bạn mà mình “thầm thương trộm nhớ” hỏi xin chiếc cúc áo “daini” – chiếc cúc thứ 2 trên áo gakuran. Nếu chàng trai cũng yêu mến cô bạn này, cậu ta sẽ gỡ chiếc cúc và trao cho cô gái như một lời thú nhận tình cảm. Hoặc các nam sinh cũng có thể tặng chiếc cúc này cho “người thương” nếu như cả hai đã là một “cặp đôi” từ trước. Lý do chọn chiếc cúc thứ hai trên áo là vì đây là chiếc cúc áo ở gần trái tim nhất, nơi chứa đứng toàn bộ tình cảm yêu thương của những năm trung học.
Trang phục cho học sinh tiểu học tại Nhật có sự khác biệt so với trung học. Ngoại trừ các trường thuộc hàng “danh giá” với những bộ đồng phục cầu kỳ và đắt đỏ, đa số học sinh tiểu học được ăn mặc tự do. Phổ biến nhất là những trang phục đó luôn đi cùng một cái nón có màu vàng hoặc màu cam. Thông thường mũ đi học là màu vàng và thay đổi thành màu trắng hay màu đỏ khi đi ngoại khóa. Nón có màu sáng có mục đích là để xe ô tô dễ dàng nhận ra bọn trẻ vì trẻ em Nhật thường đến trường một mình. Nhìn những cô cậu nhỏ bé loắt choắt tung tăng đến trường, với nón vàng nổi bật.
Đồng phục học sinh đã vượt ra khỏi khuôn khổ trường học và đi sâu vào đời sống người Nhật. Sức hút mạnh mẽ của biểu tượng này còn khiến giới trẻ các nước trên thế giới mê mẩn.