Rượu sake trong cuộc sống của người Nhật

+4 phiếu
525 lượt xem

Ẩm thực Nhật Bản có một thức uống nổi tiếng là rượu sake. Đối với người Nhật, sake không đơn giản chỉ là một thức uống mà nó có cội rễ sâu xa trong văn hóa Nhật Bản, chứa đựng nhiều ý nghĩa tôn giáo đặc biệt

Thực ra trong tiếng Nhật, từ sake được dùng để chỉ chung cho tất cả các loại rượu, bất kể là rượu nặng hay nhẹ, vang hay wishky... Tuy nhiên, thế giới vẫn biết đến sake như là một tên gọi của loại rượu đặc trưng của Nhật Bản, ở bất kỳ nhiệt độ nào cũng cho một hương vị đặc biệt.

Nguồn gốc của rượu sake đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng loại rượu này có nguồn gốc từ Trung Quốc truyền vào Nhật Bản cùng với phương pháp trồng lúa nước ( khoảng năm 300 TCN). Cũng có người cho rằng rượu xuất hiện khi người Nhật bắt đầu thờ thần Sake-vị thần lúa gạo. Từ đó có thể thấy rượu Sake đã gắn với cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh của người Nhật từ rất lâu đời.

Ngày xưa, rượu sake được làm bằng cách hết sức thô sơ là người ta nhai cơm, hạt kê và hạt dẻ rồi nhổ chúng vào một chiếc bình lớn chờ lên men. Trải qua nhiều thế kỷ, khi men và enzym nấm ra đời, phương pháp nấu rượu mới thay đổi. Người Nhật đã đúc kết nên phương pháp của riêng mình, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đã tạo ra loại rượu phổ biến và mang đậm hương vị Nhật Bản như bây giờ.

Rượu sake có khá nhiều loại. Rượu có thể khác nhau tùy theo từng vùng. Bởi vì ngoài tay nghề của người nấu, để làm ra một chai rượu ngon còn phụ thuộc vào nguyên liệu, khí hậu, đặc điểm tự nhiên của nơi sản xuất. Có thể kể ra một số vùng rượu nổi tiếng như: Hiroshima nổi tiếng với loại rượu vị ngọt dịu, thanh thoát, Kochi tự hào với rượu nguyên chất cực mạnh, Shizuoka độc đáo với rượu trái cây, Hokkaido có thương hiệu rượu sake khô chất lượng cao... Có thể nói mỗi nơi trên khắp nước Nhật đều có một loại sake đặc trưng.

Rượu sake có vị trí khá lớn trong cuộc sống của người Nhật. Nó hiện diện trên bàn ăn, trong bữa tiệc, cả nơi đền thờ. Rượu không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà con là cầu nối giữa con người với thần linh.

Trước hết, ngay trong ngôn ngữ Nhật, có đến 20 tính từ đánh giá độ trong và màu sắc rượu, 80 từ dánh giá về hương, hơn 70 từ đánh giá về chất lượng sake khi nếm.

Trong nhiều dịp lễ của người Nhật, rượu sake là món lễ vật không thể thiếu. Rượu thường được cho vào những chiếc thùng đặc biệt gọi là tsunodaru, trước hết là để dâng lên thần, sau đó mới được rót ra uống trong bữa tiệc.

Uống rượu sake được coi là một sự đánh dấu của của một cam kết, một lời hứa. Vì thế trong đám cưới truyền thống Nhật Bản, cô dâu chú rể sẽ được mời uống " 3 hớp, 3 chén" trong cùng một chén rượu tượng trưng cho lời hứa nguyện chung sống thủy chung suốt đời, chia sẻ mọi đắng cay, ngọt bùi.

Trong các dịp lễ tiết trong năm, người Nhật cũng uống các loại rượu sake đặc biệt. Ngày tết uống rượu sake để tẩy trừ những điều đen tối, cầu mong cuộc sống trường thọ. Trong lễ hội dành cho các bé gái vào ngày 3/3 có loại rượu ngọt đặc biệt cho các em để cầu chúc sức khỏe và may mắn. Những dịp ngắm trăng, ngắm tuyết, nhất là vào mùa hoa anh đào không thể thiếu chén rượu sake thơm nồng làm khơi gợi không khí đầy thi vị...Ngoài ra, hàng năm còn có cả một lễ hội rượu sake nổi tiếng tổ chức ở tỉnh Hiroshima thu hút rất nhiều người đến thưởng thức các loại sake mới lạ và hấp dẫn.

Có thể nói văn hóa Nhật Bản, Tinh thần Nhật Bản vừa thơm nồng, vừa ngọt dịu như chén rượu sake trong vắt.

 

 

đã hỏi 3 Tháng 7, 2014 trong Văn hóa Nhật Bản bởi ThaoVi

Xin vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để trả lời câu hỏi này.

...