Furoshiki-phong cách gói đồ Nhật Bản

+4 phiếu
1,072 lượt xem

Người Nhật nổi tiếng là dân tộc tỉ mỉ và có óc thẩm mĩ cao. Họ có khả năng biến những thứ nhỏ nhặt, bình thường nhất thành những thứ tiện dụng và mang vẻ đẹp tinh tế. Ngay như việc gói đồ đơn giản, ở nhiều nơi người ta chỉ cần dùng một cái túi để đựng hoặc gói bằng giấy cho đẹp mắt khi làm quà tặng. Người Nhật cũng làm như thế nhưng họ còn có một cách làm phổ biến khác đậm chất Nhật Bản. Đó là những chiếc khăn furoshiki. Chỉ với một tấm vải vuông người ta có thể gói mọi thứ để mang đi dễ dàng, hơn nữa họ còn có thể biến nó thành một gói quà đẹp mắt.

Furoshiki là những tấm vải có nhiều kích cỡ dùng để gói đồ. Bằng cách kết hợp với các nút thắt chắc chắn nhưng phải dễ mở, người Nhật có thể gói gém mọi thứ từ quả dưa hấu, chai rượu, hộp cơm, quần áo …. Và đôi khi là vô số thứ khác nhau trong cùng một tấm vải. Không cần phải nói về tính thẩm mỹ của gói đồ bằng furoshiki, bởi những tấm vải với họa tiết vô cùng đa dạng cùng với những nút thắt khéo léo đã tạo nên những gói đồ tiện lợi và độc đáo. Những người khéo tay còn biến chúng thành những chiếc túi thời trang mà không cần tốn một sợi chỉ. Furoshiki có thể tận dụng nhiều lần vì thế đây quả là một giải pháp giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường hữu hiệu.

 

Về nguồn gốc, có tài liệu cho rằng furoshiki xuất hiện từ thời Nara(710-794) dưới cái tên là tsutsumi (cái bọc) dùng để gói châu báu cất giữ trong kho. Nhưng từ cái tên furoshiki là sự kết hợp của từ furo nghĩa là bồn tắm và shiki nghĩa là sàn nhà, nên người ta thiên về giả thuyết nó ra đời từ thời Edo(1603-1868). Do thời này người Nhật có tục đi tắm hơi, khi đến các nhà tắm, người ta thường gói đồ trong những tấm vải, tắm xong họ trải nó trên sàn để lau chân và gói đồ ướt mang về. Từ đó furoshiki dần được tận dụng để gói nhiều thứ khác. Có cả một truyền thuyết thú vị rằng ngày xưa thần đã dùng chiếc khăn furoshiki màu đen để gói thế giới lại để tạo thành trời đêm, rồi đến sáng thần lại mở gói để thế giới đón ánh mặt trời. Những ngôi sao trên trời có được là do lần đầu thần gói quá chặt làm lũ quạ không có chỗ bay nhảy, chúng hoảng loạn và mổ chiếc khăn làm nó rách lỗ chỗ. Dù có là giả thuyết nào đúng đi chăng nữa thì furoshiki đã ăn sâu vào đời sống của Nhật Bản tạo nên vẻ đẹp vừa truyền thống vừa mang tính thời đại.

Nổi bật trong nhiều tính năng của furoshiki là nghệ thuật gói quà của Nhật Bản. người Nhật khá xem trọng hình thức và lễ nghi, đặc biệt trong việc tặng quà. Một gói quà không chỉ mang mang giá trị sủ dụng mà còn chuyên chở cả cảm xúc, tinh thần của người tặng. Với furoshiki người Nhật gói nên những món quà không chi đẹp mà còn thể hiện tâm ý chân thành đã chuẩn bị cẩn thận món quà này thông qua cách gói gọn gàng, tinh tế. Ngoài ra chiếc khăn còn đem lại niềm vui cho người tặng khi nó sẽ tiếp tục được sử dụng để trao gửi những món quà, những tình cảm cho nhiều người khác nữa …

 

Ý nghĩa quà tặng còn thể hiện qua hình trang trí trên khăn furoshiki. Tùy vào trường hợp tặng quà mà người ta có thể chọn một họa tiết phù hợp. Ví dụ họa tiết cá chép vượt vũ môn biểu tượng cho lòng kiên trì, bền bỉ, nỗ lực để đạt thành công thường dùng trong dịp mừng sự ra đời  của một bé trai với lời chúc tương lai của em bé sẽ thành công. Họa tiết vụ mùa bội thu, kho báu biểu thị sự sung túc thường dùng trong lễ tết. Họa tiết hình rễ cỏ lau đan xen vào nhau biểu tượng cho hạnh phúc lâu dài, bền chặt…

Chiếc khăn không còn là một vật dụng đơn thuần mà đã trở thành cầu nối cảm xúc và văn hóa khi nó không còn giới hạn ở Nhật Bản mà ang lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới.

 

đã hỏi 7 Tháng 7, 2014 trong Văn hóa Nhật Bản bởi ThaoVi

Xin vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để trả lời câu hỏi này.

...